Lực lượng chức năng tập trung xử lý, giải tỏa cây cổ thụ đổ tại khu vực cổng chào thôn 7
Theo các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão. Đây được cho là siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Bão số 3 luôn duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16. Khi ảnh hưởng đất liền cường độ mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Vào Việt Nam, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thất rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7, tháng 8. Sau hơn một ngày "tấn công" vào đất liền Việt Nam, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ. Sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp. Đến chiều tối 8/9, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.
Tại xã Phú Cát, siêu bão Yagi bắt đầu tăng cường độ từ lúc 18h ngày 07/9, sau khi cơn bão đi qua, hậu quả mà nó để lại chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 08/9/2024 tình hình thiệt hại trên địa bàn xã Phú Cát ước lượng như sau:
Diện tích lúa, hoa màu bị ngập: 20 ha
Diện tích lúa bị đổ: 50 ha
Số nhà bị tốc mái: 15 nhà
Số cây cổ thụ, cây to bị đổ: 120 cây
Tường bao bị đổ: 1740 mét
Số cột điện bị gãy đổ: 08 cột
Số gia cầm bị chết, thất lạc: 4250 con
Diện tích ao bị ngập 4000 mét vuông
Ô tô bị hỏng do cây đổ: 04 chiếc
Chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng: 09 trại
Ngay trong lúc cơn bão vẫn đang hoành hành, khi nhận được thông tin về tình hình các cây to gãy đổ gây nguy hiểm đến nhà dân và an toàn giao thông, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng đến cắt cây, dọn dẹp ngay khi có thể.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 08/9, số lượng cây to gãy, đổ tăng dần, lực lượng chức năng xã phải phối hợp với người dân và lực lượng chức năng huyện, lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn mới có thể khắc phục về cơ bản số cây to bị gãy đổ trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, xã Phú Cát đã cơ bản khắc phục được những hậu quả trước mắt, người dân yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất. Những trường hợp thiệt hại nặng về tài sản, UBND xã đã lên phương án hỗ trợ kịp thời để động viên bà con ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn xã tiếp tục túc trực 24/24h để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra. Tiếp tục tổ chức giải tỏa cây xanh bị gãy đổ để đảm bảo giao thông thuận lợi, rà soát, kiểm tra cây nặng tán để cắt tỉa, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Kịp thời cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, vận động người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài đường, chỉ thực sự có việc cần thiết mới ra ngoài trong thời điểm diễn ra mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có nguy cơ ngập lụt, đổ sập, tốc mái, nhà hộ độc thân, neo đơn, người già, người yếu thế… để di dời đến nơi an toàn;
Vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước cạn nước đệm cho các khu vực sản xuất nông nghiệp trước khi xảy ra mưa lớn.
Bố trí lực lược, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ, ngập úng xảy ra đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường, rò rỉ chất thải, hóa chất độc hại, phòng chống dịch bệnh, trật tự, an toàn xã hội…